Home Kiến thức khác Tin tức Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Vietnamese Qualifications Framework)

Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Vietnamese Qualifications Framework)

Khung năng lực quốc gia Việt Nam ra đời với tính tương thích hoàn toàn với khung năng lực tham chiếu ASEAN sẽ là bước ngoặt quan trọng hỗ trợ quá trình công nhận văn bằng và năng lực của các bậc giáo dục Việt Nam trong khu vực. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích những lợi ích mà khung năng lực quốc gia Việt Nam mang lại trong bối cảnh dịch chuyển lao động toàn cầu, xuất hiện nhiều mô hình học tập mới và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình giáo dục của các nước phát triển.

Cấu trúc của khung năng lực quốc gia Việt Nam VQF:

Như đã nói ở trên, do tính tương thích với khung năng lực ASEAN AQRF và khung năng lực Châu Âu EQF, khung năng lực quốc gia Việt Nam gồm 8 bậc với chi tiết:

  • Bậc 1 – Sơ cấp I;
  • Bậc 2 – Sơ cấp II,
  • Bậc 3 – Sơ cấp III,
  • Bậc 4 – Trung cấp;
  • Bậc 5 – Cao đẳng;
  • Bậc 6 – Đại học;
  • Bậc 7 – Thạc sĩ;
  • Bậc 8 – Tiến sĩ.

Tính tương thích của khung năng lực quốc gia Việt Nam với khung năng lực tham chiếu chung ASEAN và các khung năng lực khác:

Cho đến hiện tại, theo báo cáo của ủy ban tham chiếu khung trình độ quốc gia của các nước ASEAN, Việt Nam chưa có báo cáo tham chiếu chính thức đối với các trình độ của giáo dục của Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN, nhưng về cơ bản, tính tương thích của khung năng lực quốc gia Việt Nam với khung năng lực tham chiếu ASEAN sẽ là:

Bậc VQF Việt Nam Năng lực Bậc AQRF (ASEAN) Bậc EQF (Châu Âu) Bậc AQF (Châu Úc) Bậc ACQF (Châu Phi) Bậc RQF (Anh Quốc)
Bậc 8 (Level 8) Tiến sĩ Level 8 Level 8 Level 10 Level 10 Level 8
Bậc 7 (Level 7) Thạc sĩ Level 7 Level 7 Level 9 Level 9 Level 7
Bậc 6 (Level 6) Đại học Level 6 Level 6 Level 7 – 8 Level 7 – 8 Level 6
Bậc 5 (Level 5) Cao Đẳng Level 5 Level 5 Level 5 – 6 Level 5 – 6 Level 4 – 5
Bậc 4 (Level 4) Trung cấp Level 4 Level 4 Level 4 Level 4 Level 3
Bậc 3 (Level 3) Sơ cấp III Level 3 Level 3 Level 3 Level 3 Level 3
Bậc 2 (Level 2) Sơ cấp II Level 2 Level 2 Level 2 Level 3 Level 2
Bậc 1 (Level 1) Sơ cấp I Level 1 Level 1 Level 1 Level 1 Level 1

Nguyên tắc chung khi xem xét công nhận năng lực khi sang một hệ thống giáo dục khác:

Sau khi các thành viên hình thành khung năng lực quốc gia (NQF) và đã có báo cáo tham chiếu chính thức đối với các trình độ của giáo dục của Khung trình độ quốc gia với Khung tham chiếu trình độ ASEAN, căn cứ vào bậc và số tín chỉ tương ứng, văn bằng của một quốc gia sẽ dễ dàng nhận biết, công nhận tương đương khi sang một quốc gia khác để làm việc, học tập.

Các bậc của hệ thống giáo dục sẽ được quy đổi tương ứng để xem xét công nhận năng lực khi sử dụng văn bằng tại quốc gia khác

Khung năng lực AQRF là khung năng lực tham chiếu, gợi ý nhưng không thay thế các quy định của từng quốc gia nhưng nó giúp quá trình nhận biết, nhận thức, hiểu, xác định tính tương quan một cách dễ dàng và minh bạch. Khi tiếp nhận một văn bằng, các quốc gia sẽ xem xét dựa vào các tiêu chí chung sau:

Tính hợp luật và uy tín của văn bằng:

Điều đầu tiên là văn bằng của một quốc gia nào đó phải được cấp từ một tổ chức được quyền cấp văn bằng. Tùy thuộc vào hệ thống giáo dục của từng quốc gia có nhiều khác biệt, nhưng thông lệ quốc tế đảm bảo tính công bằng giữa các hệ thống giáo dục và không có sự phân biệt giữa hệ thống giáo dục công lập hoặc tư thục. Tại nhiều quốc gia, việc xác định tính hợp pháp và uy tín của một văn bằng phụ thuộc nhiều vào tính độc lập và uy tín của tổ chức kiểm định. Các cơ sở để xem xét bao gồm:

  • Tính hợp luật và quyền được đào tạo và cấp bằng (theo luật của quốc gia mà trường đặt trụ sở chính).
  • Tính kiểm định của chương trình (được xác định dựa vào tính độc lập và uy tín của tổ chức kiểm định).

So sánh bậc (Level) tương ứng:

Tất cả các bằng cấp sẽ được quy đổi thành bậc (Level) tương ứng. Căn cứ vào các bảng tham chiếu năng lực tương ứng với các bậc (level) để xác định tính tương ứng của bậc năng lực mà văn bằng thể hiện của quốc gia này so với quốc gia khác.

Ví dụ:

  • Bằng cử nhân của Việt Nam sẽ được quy đổi thành Level 6 khi quy đổi theo khung năng lực tham chiếu chung ASEAN.
  • Một quốc gia khác khi tiếp nhận văn bằng sẽ xem xét tính tương ứng của bậc (Level) trong hệ thống giáo dục của mình tương ứng ở mức độ nào so với bậc (Level) theo khung năng lực tham chiếu chung ASEAN để xác định.
  • Malaysia có khung năng lực quốc gia 8 bậc và Level 6 của Malaysia tương ứng với Level 6 của khung năng lực tham chiếu ASEAN. Tham khảo thêm về khung năng lực Malaysia và tính tương thích với khung năng lực AQRF và khung năng lực khu vực khác tại đây.
  • Khi bằng Cử nhân của Việt Nam sử dụng tại Malaysia có thể được xem xét ở Level 6 theo hệ thống giáo dục Malaysia.

So sánh số tín chỉ tương ứng:

Sau khi đã xác định văn bằng của 1 quốc gia ở bậc (level ) nào tại một quốc gia khác, bước tiếp theo sẽ so sánh khối lượng học tập (số tín chỉ hoặc giờ học tập) để xem xét nó thuộc nhóm văn bằng nào.

Ví dụ: Bằng cử nhân của Việt Nam ở Level 6 và có số tín chỉ tương ứng với số tín chỉ ở Level 6 theo quy định trong khung năng lực quốc gia của Malaysia. Do đó bằng cử nhân của Việt Nam CÓ THỂ  được xem xét tương đương với bằng Cử nhân của Malaysia.

Như vậy, khung năng lực quốc gia Việt Nam ra đời là công cụ quan trọng giúp năng lực của các bậc giáo dục Việt Nam tương thích với hệ thống năng lực của các quốc gia khu vực, từng bước tương thích với các hệ thống giáo dục khác trên thế giới. Với tính minh bạch, tính dễ dàng tham chiếu, đối chiếu và so sánh, học viên sau khi tốt nghiệp chương trình của Việt Nam có thể dễ dàng được công nhận tại các quốc gia khác.

Nguồn: Viện MBA – đối tác khoa học độc quyền của Viện đại học SIMI Thụy Sĩ.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *