Bắt đầu từ 1/1/2015, Luật công chứng 2014 bắt đầu có hiệu lực, và điều nhiều người quan tâm chính là mở rộng thẩm quyền công chứng cho các phòng công chứng tư (không phải phòng công chứng nhà nước).
Theo ông Từ Dương Tuấn, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp TP HCM, công chứng viên còn có nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật về chứng thực
Phóng viên: Những điểm mới của Luật Công chứng 2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, là gì thưa ông?
– Ông Từ Dương Tuấn: So với Luật Công chứng 2006, Luật Công chứng 2014 có nhiều điểm mới, góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng nhằm phục vụ tốt và hiệu quả hơn nhu cầu công chứng của người dân. Chẳng hạn, mở rộng phạm vi công việc mà CCV được thực hiện, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng, sửa đổi bổ sung quy định về tiêu chuẩn chuẩn CCV, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm lại CCV, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, bồi thường và bồi hoàn trong hoạt động công chứng, mức trần thù lao công chứng…
* Ông có thể nói rõ hơn về phạm vi công chứng? Ngoài phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã, người dân có thể đến các văn phòng công chứng chứng thực được không?
– Điểm nổi bật của Luật Công chứng lần này là việc mở rộng phạm vi công việc mà CCV được thực hiện. Cụ thể, bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật Công chứng 2014 còn giao cho CCV thực hiện một số công việc mới so với Luật Công chứng 2006. Đó là việc giao cho CCV của tổ chức hành nghề công chứng quyền công chứng, phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại (khoản 3, điều 61).
Luật Công chứng 2006 không tiếp tục quy định CCV được công chứng bản dịch mà giao cho phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký của người dịch, dẫn đến chất lượng bản dịch còn hạn chế, trong khi trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Quy định mới đã khắc phục được hạn chế này.
Bên cạnh đó, CCV còn được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực (điều 77). Trước đây, khi người dân đến yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận hợp đồng, giao dịch như thuê nhà, chuyển quyền sở hữu nhà, chuyển quyền sử dụng đất mà có nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ tài liệu liên quan để đăng ký sang tên hoặc nộp thuế thì tổ chức công chứng không làm được, phải hướng dẫn người dân đến UBND phường, xã để sao y, đến phòng tư pháp thực hiện bản dịch. Như vậy gây bất tiện, phiền hà cho người dân. Có thể nói Luật Công chứng sửa đổi kỳ này đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân khi có yêu cầu công chứng giấy tờ, bản dịch; đồng thời giảm bớt sự quá tải của phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trong việc chứng thực.
* Vậy thù lao công chứng tại các văn phòng công chứng được quy định ra sao? Thời hạn lưu trữ đối với bản chính của hồ sơ công chứng là bao lâu?
– Theo khoản 2, điều 67 Luật Công chứng 2014, tổ chức hành nghề công chứng không còn được tự mình ấn định một mức thù lao bất kỳ như trước đây, mà UBND cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Trên cơ sở đó, tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định mới nhằm khắc phục tình trạng một số tổ chức hành nghề công chứng hiện nay thu thù lao, chi phí công chứng không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền của người yêu cầu công chứng.
Thời hạn lưu trữ hồ sơ công chứng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và tầm quan trọng của các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ công chứng. Luật Công chứng 2006 quy định thời hạn lưu trữ đối với bản chính của văn bản công chứng ít nhất 20 năm, các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm. Trong khi đó, Luật Công chứng 2014 quy định rõ vấn đề này tại khoản 2, điều 64 như sau: “Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp”.
Kết luận: Việc mở rộng thẩm quyền công chứng sẽ tạo những tích cực hơn và điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Xem thêm Dịch thuật công chứng, dịch vụ visa nhanh, dịch vụ giấy phép lao động